Việt Nam có cơ hội bước vào ngành công nghiệp với quy mô thị trường 79 tỷ USD vào năm 2022?

Ngày đăng: 10/08/2020 21:29:24

Robot không chỉ phục vụ cho sản xuất công nghiệp mà bản thân nó là một nền công nghiệp với doanh thu không ngừng tăng.

Việt Nam có nhu cầu 1 triệu robot công nghiệp 

"Năm 2009 có 60.000 robot công nghiệp được bán ra. Sau vài năm, số lượng này đã tăng gấp 4, đạt 250.000 con/năm", PGS. TS Hồ Anh Văn, Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Nhật Bản nói.

Thị trường robot công nghiệp được dự đoán sẽ đạt 79 tỷ USD vào năm 2022. Do vậy, đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp cùng tham gia. Qua trao đổi với nhiều lãnh đạo, doanh nghiệp, ông Văn cho biết Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn với robot sản xuất, lên đến 1 triệu robot.

"Nếu Việt Nam có thể sản xuất được những robot này, sẽ là bước tiến lớn trong cuộc cách mạng 4.0", vị chuyên gia đến từ Nhật Bản nói.

Ông cũng nhấn mạnh, không chỉ trong sản xuất, robot đang dần bước ra khỏi cánh cửa nhà máy, thâm nhập sâu hơn vào cuộc sống con người, trở thành phần không thể tách rời. Nhiều nơi, đơn cử như Nhật Bản, robot đã trở thành cứu cánh cho một nền kinh tế với dân số già hoá đi nhanh chóng. Điều này đã mở ra một nền công nghiệp với doanh thu rất lớn trong tương lai.

"Tôi mong rằng các cơ quan Chính phủ sẽ coi robot sẽ là một ngành công nghiệp, phục vụ cả trong thương mại, dịch vụ", ông Văn kiến nghị.

Xu hướng nào cho sản xuất robot? 

Robot công nghiệp hiện đang được ứng dụng nhiều trong các ngành như sản xuất ô tô, xe máy, điện tử, luyện kim... Tuy nhiên, theo TS. Phạm Quang Cường, ĐH NanYang (Singapore), hiện các robot đang bị đóng khung trong một môi trường có cấu trúc. Nghĩa là một dây chuyền được đầu tư rất tốn kém để vận hành nhưng robot chỉ lặp đi lặp lại một cử động, không có tính linh động.

"Khi doanh nghiệp muốn thay đổi chi tiết trong sản xuất, thời gian lập trình tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc" ông Cường nói và cho rằng đấy là một trong những hạn chế cần khắc phục khi đi sâu vào sản xuất, thiết kế robot công nghiệp.

Như vậy robot sẽ được sản xuất theo xu hướng hoạt động trong môi trường ít cấu trúc. Theo đó, robot sẽ linh hoạt, đủ thông minh để làm ra các cử động khác với môi trường. Nhờ vào điều này, vốn đầu tư sẽ thấp hơn do dây chuyền sản xuất ít phức tạp hơn.

"Các nghiên cứu nên tập trung vào thị giác của robot, hoạch định cử động và điều khiển tiếp xúc của robot với vật", TS. Cường gợi ý.

Theo ông Cường, các nghiên cứu về robot ở Việt Nam vẫn còn hàn lâm và ít nơi có đủ kinh phí để lắp ráp, sử dụng robot phục vụ nghiên cứu. Tuy nhiên, với sự bùng trội của kinh tế trong thời gian gần đây cũng như sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn, đầu tư vào công nghệ sản xuất, TS. Cường nhận xét nhiều khả năng robot sẽ được tận dụng tốt hơn.

Dù vậy, mọi sự phát triển đều phải đi từ nội lực. Việt Nam cần thêm các trung tâm nghiên cứu sâu về robot làm nền tảng cho ngành công nghiệp robot sau này.

"Chúng ta bước đầu chưa cần làm phần cứng, nhưng những phần khác như lập trình, thiết kế dây chuyền thì hoàn toàn có thể", ông nói và cho biết hiện phần cứng, tức robot, chiếm khoảng dưới 1/2  giá trị dây chuyền.

Theo đó, sau khi làm chủ phần mềm, Việt Nam có thể tiếp tục sản xuất phần cứng để kết hợp. "Chỉ khi đó chúng ta mới thực sự sở hữu công nghiệp robot", TS. Phạm Quang Cường nhấn mạnh.